Chia sẻ với PV Infonet, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc công ty Vinseed cho biết, với mong muốn giúp nhiều người có thể tiếp cận được loại dược liệu quý này, anh cùng đồng nghiệp đã sáng chế ra mô hình tủ nuôi đông trùng hạ thảo. Chiếc tủ nuôi này như một phòng nuôi quy mô nhỏ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ thoáng khí, được anh chế ra từ một chiếc tủ mát bình thường.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc công ty Vinseed.
Người nuôi không cần có chuyên môn vẫn có thể nuôi trồng đông trùng hạ thảo một cách dễ dàng tại nhà bởi chiếc tủ nuôi đã được lắp đặt cảm biến, điều khiển và theo dõi các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… qua app (ứng dụng) trên điện thoại.
“Khách hàng chỉ cần thỉnh thoảng kiểm tra, nếu có trục trặc gì thì app sẽ tự động báo về điện thoại của mình và về hệ thống máy chủ của công ty. Tất cả quy trình đều được công ty kiểm soát chặt chẽ từ phôi giống, dinh dưỡng, điều kiện môi trường của tủ, vì vậy đông trùng hạ thảo sinh trưởng trong tủ nuôi cho năng suất, chất lượng như tại phòng nuôi trồng của công ty. Chỉ với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 15 triệu đồng, khách hàng đã có một chiếc tủ nuôi hoàn toàn tự động để nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại nhà”, anh Trung nói.
Thông thường một chiếc tủ nuôi có thể nuôi trồng được 50-70 phôi. Các phôi giống đã được công ty nuôi cấy hơn 1 tháng, vì thế sau khi nhập phôi giống về, khách chỉ cần đặt vào tủ, sau một tháng là có thể tự tay thu hoạch đông trùng hạ thảo.
Những chiếc tủ nuôi đông trùng hạ thảo được anh Trung chế ra từ chiếc tủ mát bình thường.
Với một phôi thành phẩm sẽ bán được trung bình 200.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, người nuôi thu lãi khoảng 7,5 triệu đồng/tháng và sau hai tháng đã có thể thu hồi vốn nếu có đầu ra ổn định.
Anh Trung chia sẻ, hiện tại, mô hình tủ nuôi này đã có hơn chục khách hàng mua về sử dụng. Thời gian tới anh sẽ nhân rộng mô hình này đến với đông đảo người dân, giúp người dân vừa được sử dụng sản phẩm chất lượng tốt với giá thành phù hợp để nâng cao sức khỏe, vừa đem lại một nguồn thu nhập đáng kể mà không cần phải tốn công chăm sóc cũng như chi phí vận hành. Ngoài cung cấp phôi giống, tủ nuôi, công ty cũng sẽ sấy gia công thành phẩm tươi hoặc thu mua lại sản phẩm của các khách hàng có nhu cầu.
Anh Nguyễn Thành Trung là Tiến sĩ ngành Sinh học phân tử- từng có 5 năm nghiên cứu tại CHLB Đức.
Năm 2011, anh về nước và làm công tác nghiên cứu giảng dạy tại Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, sau đó là ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).
Đến năm 2018, nhận thấy lĩnh vực nuôi trồng đông trùng hạ thảo mới chỉ được biết đến nhiều ở miền Bắc và miền Nam. Còn tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung, nuôi trồng đông trùng hạ thảo mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Hơn nữa, đông trùng hạ thảo là dược liệu có giá thành cao, ít người tiếp cận được. Chính vì vậy, anh Trung đã ấp ủ ý tưởng nghiên cứu, nuôi trồng, khởi nghiệp với loại nấm quý này. Anh mong muốn nghiên cứu nuôi cấy đông trùng hạ thảo chất lượng cao, giá thành phải chăng để nhiều người có thể tiếp cận và sử dụng.
Tủ nuôi đông trùng hạ thảo quy mô hộ gia đình không chỉ giúp khách hàng vừa được sử dụng sản phẩm chất lượng tốt với giá thành phù hợp mà còn đem lại một nguồn thu nhập đáng kể.
Sau khi tham quan, học hỏi một số mô hình, anh cùng người bạn bắt tay vào triển khai, thử nghiệm tại nhà, trong căn phòng khoảng 30m2.
“Chúng tôi mất nửa năm để nghiên cứu quy trình công nghệ. Sau đó, quyết định đầu tư mỗi người 500 triệu đồng để khởi nghiệp. Để tiết kiệm chi phí, các khâu chuẩn bị từ việc lắp các thiết bị điện, làm khung giàn… cả hai anh em đều tự bắt tay vào làm”, anh Trung cười nói.
Những ngày đầu khởi nghiệp anh cũng từng gặp khó khăn, thất bại khi những mẻ nấm đầu tiên chất lượng chưa ổn định; chưa có máy sấy nên phải sấy gia công. Tuy nhiên, anh và cộng sự đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để điều chỉnh, cải tiến quy trình.
Hiện xưởng nuôi đông trùng hạ thảo của công ty có quy mô 400m2. Nhà xưởng có đầy đủ các phòng chức năng như khu vực chuẩn bị môi trường, phòng cấy giống, phòng nuôi tối, phòng nuôi sáng, phòng sơ chế, phòng đóng gói và bảo quản sản phẩm.
Mô hình tủ nuôi đông trùng hạ thảo quy mô hộ gia đình của anh Nguyễn Thành Trung đã giành được giải nhất tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng 2022.
Đông trùng hạ thảo tại công ty được nuôi trong môi trường khép kín, đảm bảo nhiệt độ 20-22 độ C và độ ẩm 80- 90%. Hàm lượng dược chất cao, Cordycepin đạt trên 4mg/100g và Adenosine lớn hơn 1mg/100g khô.
Mỗi tháng, xưởng thu hoạch khoảng 300kg đông trùng hạ thảo tươi, tương đương với 50kg đông trùng hạ thảo khô.
Anh Trung chia sẻ, hầu hết các đơn vị nuôi trồng trong nước đều sử dụng gạo lứt, nhộng tằm, cao thịt,… làm nguồn dinh dưỡng cho nấm phát triển. Tuy nhiên, anh nhận thấy việc sử dụng nhộng tằm có thể gây dị ứng ở một số người sử dụng và nhiều khách hàng ăn chay sẽ e ngại khi biết giá thể nuôi nấm có thành phần từ nhộng tằm.
Chính vì thế, trong quá trình nghiên cứu, anh đã tìm ra được nguồn dinh dưỡng mới là tảo xoắn spirulina và các loại protein thực vật để thay thế nguyên liệu từ nhộng tằm. Tảo xoắn có hàm lượng protein, vitamin và khoáng chất rất cao, đảm bảo không gây dị ứng và phù hợp với người ăn chay.
Sau 4 năm khởi nghiệp với loại dược liệu quý, công ty của anh Nguyễn Thành Trung có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, hàm lượng hoạt chất trong phần đế dinh dưỡng khi kiểm nghiệm cho thấy bằng 1/3 phần sợi quả thể. Chính vì thế mà đông trùng hạ thảo sau khi trưởng thành có thể sử dụng triệt để từ phần gốc đến ngọn.
Sản phẩm được sấy thăng hoa cao cấp nên sợi quả thể đông trùng giữ được 99% dược chất, không làm sợi nấm bị teo và mất chất như sấy nhiệt.
Đông trùng hạ thảo Dr. Trung đạt chứng nhận ISO 22000:2018, gian hàng thuộc Top 10 gian hàng có doanh thu cao nhất trên Lazada trong nhiều tháng liền. Hiện, công ty đang tạo việc làm cho 15 lao động. Doanh thu mỗi tháng đạt hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, anh Trung cho biết, anh sẽ mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm đông trùng hạ thảo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, định hướng của công ty là ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại vào sản xuất để tạo ra các loại nông sản, dược liệu quý, chất lượng và thân thiện môi trường.