Năm cuối đại học lên bàn mổ não, 9x viết sách trên giường bệnh kiếm trăm triệu dành tặng bệnh nhi ung thư

 

Ca mổ kéo dài từ 8h sáng đến 17h chiều. Rời phòng phẫu thuật với chiếc ống thở ôxy, Quang Anh vẫn nhớ như in sự cố của ngày hôm đó.

'Mặt nạ thổi ôxy vào mũi khiến mình rất khó chịu. Mình cố gắng bỏ ống thở ra nhưng tay chân khi ấy không thể cử động. Bố mẹ thấy mình vật lộn lại đeo ống thở vào, còn mình thì gần như mất khả năng ngôn ngữ, chỉ một câu 'con thở được' cũng không thể thốt ra. Mình phải cố gắng lấy hết sức để gần như hét lên: Thở'.

Cuối năm 4 đại học, Tống Quang Anh (SN 1998, ở Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu cảm nhận được những tín hiệu xấu trong cơ thể mình.

'Khi ấy là khoảng tháng 9-10/2019, mình bắt đầu có những cơn đau đầu nghiêm trọng, sự thăng bằng dần kém đi. Con đường từ chỗ trọ đến nhà máy khoảng 1-2 km, dù mặt đường nhựa rất bằng phẳng nhưng bao giờ đi mình cũng thấy nó ngả nghiêng' - Quang Anh bắt đầu kể.

Tuy nhiên vì đang trong thời gian thực tập, chàng trai vẫn cố gắng chịu đựng.

'Thời gian đó quả là ác mộng. Tôi không ăn uống được. Để các bạn hiểu rõ hơn thì hãy hình dung: mẹ tôi phải xay nhuyễn đồ ăn ra, loãng hơn cháo, mà tôi ăn được có vài thìa. Số thìa đếm trên đầu ngón tay. Từ một đứa không kén cá chọn canh bất cứ thứ gì đến đứa trẻ lười ăn (hay đúng hơn là không thể ăn).

Những cơn đau đầu liên tục hành hạ tôi 24/7, không rời tôi một phút. Tôi mệt mỏi đến mức nằm bẹp dí trên giường' - Quang Anh viết trong cuốn sách ghi lại hành trình chữa bệnh của mình.

U nguyên bào tủy chính là căn bệnh mà Quang Anh mắc phải. Theo các bác sĩ, đây là một dạng ung thư thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Rất có thể, khối u đã có từ khoảng 5-7 năm trước, chỉ có điều bây giờ to hơn nên các ảnh hưởng mới trở nên rõ rệt.

Tháng 12/2019, sau một cơn đau phải nhập viện cấp cứu, Quang Anh chính thức được đưa vào phòng mổ của Bệnh viện Việt Đức.

Ca mổ kéo dài từ 8h sáng đến 17h chiều. Rời phòng phẫu thuật với chiếc ống thở ôxy, cậu vẫn nhớ như in sự cố của ngày hôm đó.

'Để thở được ống thở thì phải hít thở bằng mũi, nhưng mình thấy bản thân vẫn thở được bình thường, trong khi mặt nạ thổi ôxy vào mũi rất khó chịu. Mình cố gắng bỏ ống thở ra nhưng tay chân khi ấy không thể cử động'.

 

Từ một chàng trai hoạt bát, đến khi rời phòng phẫu thuật với Quang Anh đó chính là cảm giác bất lực vì không thể tự chủ được bất cứ việc gì, ngay cả chuyện đi vệ sinh.

Cậu giống như một đứa trẻ bước vào quá trình phục hồi chức năng, bắt đầu tập nói, tập đi. Thế nhưng khi hỏi trong hoàn cảnh đó có bao giờ Quang Anh cảm thấy chán nản đến mức muốn từ bỏ hay không, chàng trai trả lời: Không!.

Tất nhiên, những cú sốc thì không phải không có. Quang Anh nói, trạng thái down nhất của cậu diễn ra vào ngày thứ 2 sau mổ. Bạn gái của cậu lúc ấy có cùng một người bạn chung cấp 3 vào viện thăm, cô chỉ nói đúng 1 câu: ‘Cố gắng giữ gìn sức khỏe' và rồi biến mất kể từ đó.

'Mình có thể chấp nhận được những chuyện khác chẳng hạn như dự định du học phải dừng lại, nhưng nó sẽ không đau đớn bằng việc mình nằm đây và không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi được mối quan hệ kéo dài 3 năm mà mình từng rất cố gắng để níu giữ. Không biết dùng từ gì để có thể diễn tả được cảm xúc lúc đó nữa'.

'Nhưng lý trí đã vực mình dậy' - cậu tiếp lời - 'Giờ đây, mình nhìn vào bố mẹ và em gái để làm chỗ dựa'.

Theo Quang Anh, trước đây cậu được bố mẹ rèn luyện tính tự lập, bởi vậy sợi dây tình cảm với người thân thực sự không đậm sâu.

Nhưng khoảng thời gian nằm viện, chứng kiến bố mẹ lo lắng, chăm sóc, bất cứ điều gì tốt nhất đều dành cho cậu, tình cảm dành cho gia đình trong chàng trai trẻ mới thực sự được xây lên cao dần.

'Có hôm tỉnh dậy lúc nửa đêm, mình thấy trong phòng bệnh nhân không có giường, mẹ ghép 2 cái ghế đẩu, đầu ngửa ra, người thì co quắp ngủ. Thương mẹ lắm, cảm thấy mình chưa làm được gì mà đã lớn như thế này rồi vẫn còn làm khổ bố mẹ nữa. Trải qua những cơn đau, nghĩ đến mình lại khóc' - chàng trai nghẹn ngào.

Trong giai đoạn hóa trị, Quang Anh bắt đầu viết ghi chú trên Facebook, kể về quá trình điều trị và những mẩu chuyện xung quanh.

'Bác sĩ bảo sau khi xạ trị sẽ bị hạ bạch cầu, giảm IQ, giảm trí nhớ nên mình viết lại để sau này con cháu có hỏi nhỡ có quên thì còn mở ra xem' - cậu cười.

Sau đó, cậu được bác sĩ và mẹ động viên viết sách vì có thể gây quỹ từ thiện, nhận thấy đó là một ý tưởng hay nên chàng trai liền bắt tay vào thực hiện.

Cuốn sách mang tên 'Câu chuyện của tôi' dài 96 trang ghi lại hành trình chữa bệnh cũng như nghị lực của chàng trai trẻ chính thức được hoàn thành vào cuối năm 2020.

Đến đầu năm nay, 1000 cuốn sách của Tống Quang Anh được bán sạch trong vòng 2 tuần. Nam thanh niên cũng quyết định dùng số tiền bán sách làm từ thiện cho những bệnh nhi ở Bệnh viện K Tân Triều.

'Căn bệnh của mình vốn thường gặp ở những trẻ nhỏ, chiếm khoảng 90%, lớn như mình mà bị rất hiếm. Bởi vậy khi nằm viện sức chịu đựng của mình sẽ cao hơn các em. Suốt thời gian ở viện, chứng kiến các em đau đớn, kêu khóc thực sự rất đau lòng'.

Số tiền bán sách được chàng trai chia làm 20 suất, mỗi suất 5 triệu dành cho những em bé có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Ngoài ra, chuyến thiện nguyện còn có sự chung tay của nhóm học sinh THPT Chu Văn An - trường cũ của Quang Anh - với 100 suất quà gồm bánh kẹo và sữa.

'Ngày hôm đó có rất đông bệnh nhi và cả người nhà đến. Các em bé lắm, rụng hết tóc, có em mới 2-3 tuổi mà đã mất 1 mắt, có em thấy rõ vết mổ rất to từ đỉnh đầu xuống tới mang tai… Vốn từng trải nên khi nhìn các em, mình nhận thấy rằng những sự mệt mỏi, đau đớn đã qua của bản thân thực sự vẫn chưa là gì'.

Phát quà xong, những bậc phụ huynh rưng rưng nước mắt vì cảm động, có người khóc, có người nắm tay Quang Anh bịn rịn nói lời cảm ơn.

'Lúc xuống thang máy đi về, có em nhỏ khoảng 11-12 tuổi nằm trong danh sách hỗ trợ muốn mẹ dẫn ra để chào mình. Hôm đó đang dịch, hai anh em chào nhau qua tấm kính. Nhìn sự vui vẻ của em ấy, hơn bao giờ hết mình cảm thấy việc bản thân làm thực sự đúng đắn' - chàng trai trẻ xúc động nói.

 

 

 

 

Theo VTC News

Tin khác