Vì sao Gen Z thích 'Flex' đến hơi thở cuối cùng?

Dần dà, sự thú vị đến từ vỏ bọc 'khiêm tốn' của người đang muốn 'flexing' khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy thích thú và lan truyền rộng rãi. Thay vì với ý nghĩa ban đầu là châm biếm những người thích khoe khoang thái quá, xu hướng flex của Gen Z đã mang tính chất tích cực và lành mạnh.

Hầu hết các bài đăng flex đều được viết với giọng điệu hài hước, những pha đáp trả cực gắt và dí dỏm. Không chỉ riêng chủ bài đăng flex, mà ngay cả người bình luận cũng có thể 'ghi bàn' nhờ những 'pha kiến tạo' điêu luyện.

Đáng nói, sự khoe khoang này lại không khiến nhiều người khó chịu mà lại mang tính giải trí cao. Những người tham gia flex đã đưa 'flexing' lên tầm cao mới, cái gì cũng có thể khoe.

Không ít những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng đã hào hứng tham gia trào lưu này như MC song ngữ Khánh Vy, MC - diễn viên Nguyễn Lâm Thảo Như, Miss World Vietnam 2019 Lương Thùy Linh...

Nội dung chú thích ảnh

Nhà báo Trương Anh Ngọc từng bày tỏ quan điểm: 'Khoe là nhu cầu tất yếu của mỗi người. Từ ngày có thêm mạng xã hội thì ai cũng chả phải cố khoe một cái gì đó'. Điều này tương thích với thuyết tâm lý học của Abraham Maslow trong bài viết A Theory of Human Motivation năm 1943 rằng nhu cầu cao nhất của con người là nhu cầu được thể hiện mình (self-actualization).

Từ chia sẻ thành tích cá nhân đến những kỹ năng đặc biệt, hay chỉ là những khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống hàng ngày, quả thật có không ít người đã bắt đầu 'Flex đến hơi thở cuối cùng'. Khi xuất hiện một sân chơi nơi mà các cá nhân được tự do, thoải mái 'khoe' và thể hiện năng lực bản thân mà không lo bị phán xét, bị ganh ghét, đố kị.

Trong một xã hội mà lúc nào hai từ 'khiêm tốn' cũng được dạy như đức tính phải có, 'kiêu ngạo' là thái độ cần phải tránh xa thì trào lưu flex lại đi ngược lại với lời dạy 'Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu' của người xưa. Văn hóa flex đã tạo ra một sân chơi, để người trẻ có quyền lên tiếng khẳng định bản thân và mong muốn có được sự được công nhận. Có lẽ đã đến lúc 'lúa chín' không còn chịu cúi đầu nữa.

'Flex bị mang tiếng là khoe khoang, sống ảo. Các cụ cũng dạy rằng: 'Khoe cái gì thì mất cái đó', nhưng mình nghĩ nếu chúng ta hiểu theo hướng tích cực là khoe ra để làm động lực, làm mục tiêu và hướng phấn đấu mỗi ngày một tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, hay đơn giản chỉ là để nhắc nhở chúng ta hãy kiên định và nỗ lực trên con đường mà bạn đã chọn, vậy thì còn ngại gì mà không Flex đến hơi thở cuối cùng', bạn Nguyễn Đăng Khánh - Uỷ viên BCH Đoàn Thanh niên Văn phòng Chủ tịch nước chia sẻ.

Nội dung chú thích ảnh

Có không ít bạn trẻ cho rằng trào lưu flex là một văn hóa độc đáo. Trước là ưu tiên sự giải trí, sau là truyền cảm hứng, tạo động lực cho Gen Z và cả những thế hệ đi trước ngày một phát triển tốt hơn.

Mỗi cá nhân hưởng ứng văn hóa flex đều trở nên tự tin hơn, ý thức rõ ràng về giá trị của bản thân hơn và biết cách tỏ ra tự hào về mình. Họ 'khoe' nhưng không hề 'ngạo nghễ'. Bởi khi tham gia văn hóa flex, họ đều không biết khi nào mới thoát khỏi áp lực bị 'pressing', đồng thời chính loại áp lực tích cực đó càng thôi thúc họ phải nỗ lực hơn, giỏi giang hơn nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Văn hóa flex trở nên vui vẻ khi chính mỗi người đọc thành tích của ai cũng để lại 1 cái tim, một bình luận ngợi khen chứ không phải là so sánh ngược lại với bản thân để rồi tự thấy kém cỏi. Mọi người 'kiến tạo', cho nhau không gian để 'flex' và 'reflex'. Tức là tự nhìn lại và tự hào với những gì mình đã làm được trong quá khứ. Lấy quá khứ ấy làm bệ phóng cho tương lai, tiếp tục cố gắng và phát triển mạnh mẽ hơn.

'Có những lúc mình cảm thấy bản thân rất tồi tệ. Làm gì cũng thất bại. Không làm được gì nên hồn.

Các bài đăng từ nhóm flex đến hơi thở cuối cùng đã truyền cảm hứng và cho mình cơ hội để nhìn lại quá khứ. Mình nhận ra, mình cũng đã đi được một đoạn khá dài và khá ổn đấy chứ.

Khi có những nốt trầm, được tự nhắc nhở bản thân về những thành tựu trong quá khứ, mình tự tin trở lại. Và dũng cảm đi tiếp trên con đường còn mờ ở phía trước', anh Lê Minh Hiếu, thành viên của nhóm 'Flex đến hơi thở cuối cùng' bày tỏ.

Không còn khiêm tốn, Gen Z ngày nay mê khoe. Họ flex giàu sang, giỏi giang, flex về sự tử tế, thú vị, những cái độc nhất hài hước chỉ có ở chính mình.

Nhưng nhìn theo hướng tích cực, hành động khoe của các bạn trẻ là nhằm khuyến khích, tạo động lực, và hướng đến mục tiêu mỗi ngày một tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Hoặc đơn giản đó chỉ là lời nhắc nhở bản thân kiên định và nỗ lực trên con đường mình đã chọn. Có lẽ các Gen Z ngày nay chỉ sợ sống hết đời mà không có cái gì để khoe thôi, chứ còn có là phải khoe.

Nội dung chú thích ảnh

Theo Hồng Nhung/Tri thức và Cuộc sống

Tin khác