Chứng khoán, tiền ảo, bất động sản - có lẽ là 3 trong số những lĩnh vực được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua với nhiều biến động. Đặc biệt là chứng khoán, lĩnh vực đang dần trở thành kênh đầu tư ‘quốc dân’ khi năm qua, số lượt tài khoản được mở mới lên tới 2,6 triệu, con số kỷ lục trong 22 năm. Không chỉ dân kinh tế, mà bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, phóng viên, dân văn phòng, lái xe cho đến… bà hàng nước cũng tham gia. Trên các mạng xã hội, các hội nhóm tư vấn đầu tư chứng khoán, tiền điện tử, buôn bán kinh doanh bất động sản mọc lên như nấm, có hội nhóm lên tới cả nghìn người.
Năm qua là 1 năm nhiều trải nghiệm của các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực ‘nóng’ này, nhiều người mới tham gia đã gánh ngay thua lỗ.
Gặp tôi chiều cuối năm, Phi Hùng (Q3, TP.HCM) cho hay: ‘Năm nay chứng nó vật, em không có Tết’.
Tham gia chứng khoán từ năm 2021, đến nay chàng trai 24 tuổi này đã từ ‘tay không’ làm nên số nợ gần 1 tỷ. Tết này của Phi Hùng là Tết lo trả lãi.
Mới hôm nào, Hùng còn khoe chỉ cần 100 triệu, mua bán cổ phiếu theo tư vấn của môi giới chứng khoán, có thể lời gấp đôi. Số tiền lãi từ thị trường xanh đỏ đến quá nhanh, Hùng liên tục giao dịch, sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính.
Thế nhưng khi thị trường bắt đầu những cú sập, Hùng mất dần các khoản lãi, lẹm vào vốn đầu tư và nghĩ đến phương án vay bạn bè để tiếp tục ‘bắt đáy’. Thế nhưng càng bắt đáy, lại càng không thấy đáy. Lo lắng cổ phiếu tiếp tục rơi, Hùng vội vàng bán cắt lỗ trong trạng thái tâm lý hoảng loạn.
‘Những lời hô hào nhân đôi tài khoản, bánh chưng có thịt làm cho em kỳ vọng. Nhưng thực tế, với số tiền hơn 900 triệu tiền vay chơi chứng khoán, em chỉ còn 200 triệu, lỗ gần 80%. Công việc thiết kế của em chỉ kiếm được gần 20 triệu/tháng, nên Tết này em vừa ăn Tết vừa lo tìm cách trả nợ ’ - Hùng tâm sự.
Không về nhà đón Tết như mọi người, năm nay Hải Bình (27 tuổi, Hải Phòng) ở lại TP.HCM ‘tránh nợ’ vì vừa trải qua 1 năm 'tan hoang' vì chứng khoán.
Hải Bình không có kinh nghiệm, cũng không có kiến thức về thị trường chứng khoán. Khi thấy bạn rủ, Hùng đã bỏ số tiền 300 triệu đồng 2 vợ chồng tích cóp được. ‘Cờ bạc đãi tay mới’ - những ngày đầu nghe theo lời tư vấn, Hùng nhanh chóng có lãi ngay vài chục triệu.
Cũng giống như Huy Hùng, Hải Bình cũng rơi vào chu trình: Chơi thắng - thua - không dám cắt lỗ - vay tiền chơi tiếp - tiếp tục trung bình giá vốn của cổ phiếu mình đang ‘ôm’. Nhưng càng trung bình giá, cổ phiếu cắm đầu, Bình càng thua lỗ. Hùng đi vay khắp nơi, số tiền lên tới 1,5 tỷ. Và kết quả là 'cháy' tài khoản. Cửa hàng bán phụ kiện điện thoại của Hùng lúc này làm ăn cũng không được tốt. Hùng bỏ lại cửa hàng và vợ con để vào miền Nam tìm cơ hội mới.
Còn với Dũng (Bắc Giang, 31 tuổi), tết năm nay là Tết…. tăng ca, chạy thêm làm shipper để gỡ gạc lại phần nào khoản tiền đã mất cho đầu tư bitcoin năm qua. Số tiền 500 triệu quá lớn đối với một chàng trai chưa lập gia đình, làm nhân viên công nghệ thông tin. Dù không vướng nợ nần, nhưng tiền ảo đã lấy đi gần như toàn bộ số tiền dự phòng của Dũng.
Ái ngại khi nghĩ đến việc bố mẹ cao tuổi hay đau ốm, Dũng cho hay: ‘Mình vẫn về quê đón Tết như mọi năm, tiết kiệm hơn và đăng ký trực tất cả các ngày Tết để kiếm thêm chút tiền trực. Bố mẹ không biết mình thua lỗ tiền ảo, thấy mình bận bịu làm việc nên thương lắm. Mình hi vọng trong 2 năm tới, sẽ để dành được một khoản tiền. Năm 2023 coi như làm lại từ đầu’.
Câu chuyện của Hùng, Bình, Khanh, Dũng có lẽ cũng không phải là cá biệt trong giới trẻ, khi năm qua, với những khó khăn trong công việc sau Covid-19, ai cũng ôm mộng làm giàu nhanh. Nhiều người bước vào đầu tư, ‘khởi nghiệp’ với tinh thần hân hoan, bước ra với tâm trạng ngổn ngang, lo lắng và tiếc nuối. Không ít người trong số đó vẫn loay hoay chưa thoát khỏi ám ảnh về những khoản lỗ, những món đầu tư không cánh mà bay. Tuy nhiên, đã rất nhiều người rút ra được những bài học cho riêng mình.
May mắn hơn Phi Hùng và Hải Bình, Bùi Đức (29 tuổi, Hải Dương) chỉ lỗ 20% số tiền đầu tư. Cũng tham gia chứng khoán, Đức cho hay: ‘Than thở hay lo lắng cũng không giúp được gì nhiều cho mình, mà chỉ khiến cho tinh thần kém thêm, như vậy ngột ngạt lắm. Mình thấy vẫn may mắn là còn có sức khỏe và công việc để làm.
Ngoài ra, mình có chung với bạn mở quán cà phê, việc vận hành cũng chưa được như ý. Cuối năm Tết đến, mình ngồi cùng với bạn bè thân hữu và những người có kinh nghiệm, học hỏi họ, tự đối chiếu vào việc của mình để rút ra kinh nghiệm. Mình muốn tìm cách để mọi thứ tốt hơn mà không bế tắc.
Trong những lĩnh vực mới, mình là ‘new comer’, việc có một người đi trước, chỉ cho mình những đoạn nào dễ vấp, chỗ nào nhiều ổ gà, cách xử lý nó ra sao trên hành trình của mình, đó là cực kỳ cần thiết'.
‘Mình kinh doanh hạt chia online, mình nhập hàng về nhiều, đợt mùa hè thì cháy hàng nhưng đợt này bán chậm. Mình cũng bị hủy đơn nhiều và chuột cắn cũng kha khá thùng hàng ở kho. Mình đã đóng gói lại toàn bộ hàng từ ngày 25 Tết, gửi nhờ kho kín của người quen, để bắt xe về nhà ăn Tết’ - Đó là chia sẻ của Hồng Đức, thanh niên 23 tuổi ở Vĩnh Phúc, mới tham gia kinh doanh.
Khởi nghiệp với số vốn không lớn, việc kinh doanh lúc thuận lợi, lúc chưa như ý. Bất kể lúc nào có chuyện vui hay buồn, Đức đều lựa chọn trở về nhà cho thư thái.
‘Mình rất ấn tượng với bài hát của anh Đen Vâu. Thành công đi về nhà, thất bại đi về nhà. Mình chưa lập gia đình riêng, nên cứ về nhà, bố mẹ - con cái - em gái mình đều khỏe, thêm cành đào, cái bánh chưng, gia đình quây quầy ăn tất niên, tân niên, cùng xem Gặp nhau cuối năm, thế là tết vui. Năm ngoái, bố mình bị tai nạn nặng lắm nên năm nay cứ thấy bố khỏe là mình thấy may mắn. Nhà là nơi của những người yêu thương, nên không thể không về được’.
Nói về những trường hợp không thể về nhà, Hồng Đức cho hay: ‘Mình nghĩ chắc mọi người chạnh lòng lắm. Một mình đối mặt với phiền muộn là cảm giác cực kỳ kinh khủng. Mình nghĩ không gì quý giá bằng sự hiện hữu, nên nếu đã là lựa chọn của riêng mỗi người, thì hi vọng, dù không trở về nhà đúng Tết, mọi người có thể sẽ về vào dịp khác. Tết là hi vọng, nên mình mong năm mới, bản thân mình và mọi người sẽ khởi sự tốt hơn, bớt loay hoay hơn’.
Trong 1 talkshow gần đây nhất, diễn viên hài Trường Giang đã từng chia sẻ: 'Mất tiền là mất ít nhất, mất bạn là mất nhiều, mất người thân là mất rất nhiều, mất lòng tự trọng là mất vô cùng nhiều, mất ý chí vươn lên là mất tất cả'. Lớn lên từ cái đói, cái nghèo, hơn ai hết, Trường Giang hiểu được giá trị của đồng tiền, và càng hiểu được giá trị của ý chí vươn lên. Tên gọi thân mật Mười Khó cũng từ đó mà ra đời.
Trong những lúc khó khăn nhất, mỗi người sẽ nhận ra giá trị cốt lõi của mình, và giá trị truyền thống của dân tộc. Khi những vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài không còn, thì đó là lúc để cái đẹp của giá trị cốt lõi lên ngôi.