Nhật ký của Thiếu tá, Bác sĩ quân y từ Hà Nội vào chi viện Sài Gòn điều trị hàng nghìn F0 tại nhà

 

Hà Nội 19/8/2021

Tôi cùng đồng đội tập trung tại Học viện Quân y để chuẩn bị tiến về Sài Gòn, hỗ trợ chống dịch. Thật đặc biệt, hôm nay cũng là 19/8 lịch sử. Nhận nhiệm vụ và sẽ hoàn thành như một lẽ thông thường. Covid-19 kia, cả đất nước Việt Nam ta sẽ hạ đo ván mày.

Sài Gòn 21/8/2021

Lần thứ n, tôi quay lại Sài Gòn. Quay lại nơi lần đầu tiên cho mình cảm giác làm Bác sỹ. 

Sài Gòn vẫn những cơn mưa chiều ào cái rồi qua như những nỗi buồn chợt đến rồi đi ngay. 

Nhưng cơn mưa chiều nay nó buồn hơn, dai dẳng hơn. Nó xâm chiếm vào tim gan những người dân Sài Gòn và người dân cả nước khi hàng ngày vẫn phải chứng kiến hàng nghìn ca mắc và hàng trăm bệnh nhân tử vong vì Covid 19. 

Sài Gòn chiều nay không tấp nập như cái vốn dĩ đặc trưng của nó.  Thay vào đấy là một cảnh vắng lặng, ảm đạm vô cùng. Thỉnh thoảng những tiếng còi hú xe cứu thương chạy ngược, chạy xuôi như xát muối vào nỗi đau những người dân nơi đây. 

Những cánh cửa mở he hé và thấp thoáng sau cánh cửa ấy là ánh mắt lo âu phiền muộn của mỗi gia đình là nỗi tiếc thương của những gia đình có người thân mới bị tử thần mang tên Covid 19 gọi tên. 

Đoàn xe dài của chúng tôi trở những bác sĩ quân y lao đi vun vút qua các con phố. 

Đâu đó một  số người dân hiếu kì mở cửa ngó ra, và trong ánh mắt họ những tia hy vọng lại sáng lên.

Sài Gòn ơi!!! Hãy yên tâm nhé chúng Tôi đã về đây như lời ca khúc “ Sài Gòn ơi, Ta đã về đây …”

 

Ngày 22/8/2021

Vừa nhận nhiệm vụ Trạm trưởng trạm y tế lưu động, tôi và các cộng sự đã có ngay bệnh nhân đầu tiên. 

Nhận được điện thoại của đầu dây bên kia cần bác sĩ cấp cứu gấp bệnh nhân 86 tuổi nhiều bệnh nền đã nhiễm Covid-19 ngày thứ 3.

Khi tôi đến, tình trạng bệnh nhân rất nặng. Bệnh nhân đã lơ mơ, khó thở dữ dội, sùi bọt hồng ra miệng, huyết áp tụt 80/50, Spo2 có 84-85%. 

Liên hệ các bệnh viện, đều chưa có chỗ trống, không nhận được nữa.

Cũng may, tôi tự chuẩn bị được rất ít thuốc cấp cứu mang đi (những thuốc này chỉ dùng ở viện để cấp cứu). 

Sau khi giải thích kỹ với gia đình về tiên lượng bệnh nếu không điều trị ngay thì chắc chắn chết. Nếu điều trị cấp cứu thì may ra còn chút hy vọng. Bằng kinh nghiệm điều trị, tôi dự đoán bệnh nhân bị dọa phù phổi cấp. Tôi lập tức cấp cứu bằng lợi tiểu, giãn mạch, Corticoid và chống đông, thở oxy qua mask. 

May quá, bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi và tốt dần. Tôi kê thuốc, căn dặn gia đình theo đúng toa và cần gì thì gọi ngay lại cho tôi. 

Ngày 23/8

Tôi liên hệ hỏi thăm tình hình bệnh nhân 86 tuổi hôm qua. Gia đình báo cụ đã khỏe hơn, tinh thần cũng tốt lên. Tôi khuyên bệnh nhân nên vào viện để điều trị tiếp.

Nhưng đầu dây bên kia đáp lại: ‘Mẹ em bảo là nhờ bác sĩ điều trị tiếp chứ không vào viện đâu. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều, mẹ em đã ổn hơn rồi.'

Tôi mỉm cười, có gì đó nghẹn lại.

Ngày 25/8/2021

Sau 2 ngày nhân sự mỏng, thiếu thốn đủ đường, nhóm tôi được tăng cường thêm 3 sinh viên quân y hỗ trợ. Thế là anh em tôi có 6 người, cùng san sẻ bớt công việc cho nhau.
….

Những ngày sau đó, điện thoại tư vấn liên tục rung lên không ngừng nghỉ, nóng rực. 1 ngày có khi anh em tôi điều trị lưu động 20 bệnh nhân, rồi test lưu động có khi đến cả 1000 BN.

Đặc thù điều trị lưu động nên chẳng có một thời gian cố định nào cả. Sáng sớm, đêm muộn, bệnh nhân gọi là lên đường. Thậm chí giờ nhận được nhiều cuộc gọi nhất là giờ ăn cơm. Chưa kịp xong bát cơm đã vội vàng vác ba lô lên và đi.

7h ngày 3/9 

Thông thường chúng ta sẽ ngồi với nhau để kể cho nhau nghe và để khoe với nhau về một ngày nghỉ lễ vui vẻ bên người thân và bạn bè. Nhưng một ngày độc lập như vậy đã không xuất hiện trong ký ức của chúng ta.

Có lẽ bây giờ ngày mà mọi công dân trên đất nước đang chờ đợi là ngày khi loa đài và tivi thông báo “số ca nhiễm bằng không, không có ca tử vong, và BN âm tính cuối cùng cũng đã xuất viện.”

Hy vọng ...

Hà Nội mùa này có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm. Trời vào thu, trong xanh mát mẻ. Nếu là những năm trước, tôi hay đưa tụi nhỏ đi sắm những bộ quần áo mới, sách vở mới để chuẩn bị cho ngày khai giảng. Tôi lại nắn nót viết từng nét chữ đẹp nhất lên cái nhãn vở xinh xinh có ghi tên những đứa con thân yêu của mình với phân hiệu lớp được nhảy thêm một số.

Tụi nhỏ thì cả đêm thao thức không ngủ vì mong đến buổi sáng được đi dự lễ khai giảng nơi chúng được gặp lại thầy cô và bạn bè.

Nhưng tất cả giờ chỉ còn là những mơ ước. Những mơ ước tưởng chừng quá giản dị bây giờ lại trở thành quá xa xỉ chỉ vì con virut chết tiệt mang tên Covid-19.

Nhớ tụi nhỏ đến ứa nước mắt…

Ngày 4/9

Vậy là tròn hai tuần đi Sài Gòn chống dịch. Bất giác hôm qua tìm trong balo cái ví đã tròn 2 tuần không cầm đến. Trong khi ở nhà có lẽ điện thoại và ví là hai vật dụng bất li thân. 

Thế mới biết trong những lúc hoàn cảnh khó khăn cả xã hội đang đảo điên vì Covid thì trên hết là tình cảm giữa con người với con người và tinh thần lá lành đùm lá rách đã ăn sâu vào trong trí óc của mỗi người dân trên mảnh đất hình chữ S này. 

Các bạn có hỏi thế không có tiền 2 tuần qua tôi sống như nào không? Dạ xin thưa, suốt hai tuần qua tôi sống trong lòng dân được người dân và địa phương đùm bọc. Được bà con nơi đây nào thì cho bánh, cho hoa quả, có hôm được tặng những hộp xôi, chiếc bánh mì kẹp ngon ơi là ngon.

Được bạn bè, nhà hảo tâm gần xa ủng hộ thuốc men, nhu yếu phẩm tôi lại đem chia hết cho bà con nơi đây. 

Cuộc sống nó cứ tiếp diễn và tiếp diễn như vậy. 

Ở đây và hiện nay đây đồng tiền không còn là thứ quá quan trọng nữa. Con người ta trao nhau bất kể cái gì mình có không một phút so đo tính toán mà thay vào đó chỉ là những câu cảm ơn và những lời chúc cho nhau mau khoẻ.
 

Ngày 11/9

Hôm nay, tôi cảm thấy người hơi lạ. Test nhanh đúng như mình dự đoán, dương tính với Covid-19. Tôi nghĩ khả năng là do hôm trời mưa đột ngột, đồ bảo hộ bị ướt khi đang khám cho F0, mình đã sơ suất ở một khâu nào đó.

Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý, bởi với mật độ thời gian tiếp xúc với F0 dày đặc như vậy, mình có thể nhiễm bất cứ lúc nào, nhưng vẫn có chút buồn.

Cũng may tôi chỉ hơi mỏi và sốt nhẹ, không có vấn đề gì nghiêm trọng. Công việc quá tải, không để anh em vất vả. Hơn nữa nhiều bệnh nhân nặng vẫn cần mình. 

Thế nên lại chiến đấu, chưa ngơi nghỉ buổi nào.

Ngày 25/9

Lúc bận thì không sao, lúc có chút ít thời gian nghỉ ngơi lại thèm cảm giác ăn cơm cùng gia đình. Những lo lắng về chuyện học tập của con lại khiến tôi bất an.

Giờ này nếu ở nhà, sau giờ cơm tối, tôi đã ngồi bàn kèm học cho tụi nhỏ. 

Nhiều lúc nghĩ lại thấy mình nghiêm khắc đến hà khắc. Có lẽ vì lo lắng chuyện học tập, tương lai của chúng nên tôi kèm cặp rất kỹ, thậm chí là dùng đòn roi khi không thể nói chuyện trong ‘hòa bình'. 

Có một lần đánh con, mắng con nhiều quá, lên đến cơ quan nghĩ lại thương con đến phát khóc, vô cùng ân hận vì đã quá nóng nảy.

Ngày 27/9

Vừa nghĩ đến chuyện học tập của tụi nhỏ ở nhà, hôm nay đã được người bạn gửi cho thông tin về chương trình hỗ trợ học tập gia sư 1-1 cho con em y bác sĩ đi chống dịch. Đúng là điều tôi cần tìm đây rồi.

Nhưng chương trình hết hạn từ 20/9 rồi, tôi biết muộn quá. Thôi cứ gửi tâm sự xem sao.

Ngày 28/9

Nhận được tin nhắn hồi đáp dự án Học cùng chiến binh nhí sẽ hỗ trợ học tập cho các con của mình mà phấn khởi quá. Như vậy tôi có thể yên tâm công tác hơn. 

Hy vọng con sẽ tìm thấy hứng thú và chia sẻ được nhiều với gia sư hỗ trợ con.

Đôi khi cô giáo, người ngoài nói chuyện, dạy dỗ con sẽ dễ hơn là bố mẹ. Nhất là người nóng tính như tôi.
 

Những tín hiệu tích cực ngày càng nhiều lên. Số ca giảm, bệnh nhân tử vong giảm, các F0 tại nhà bình phục nhiều, lòng tôi tràn ngập niềm lạc quan.

Hôm qua vợ vừa hát tặng Bài ca hy vọng đúng thật là thiêng mà.

Ngày tôi đến Tân Bình một vùng rực đỏ. Trời đã không phụ lòng người. Hà Nội ngày trở về!

Theo Hương Lê/VTC News

Tin khác