Năm Covid thứ 3: Tâm sự của những nữ chiến sĩ áo blue trắng

Nội dung chú thích ảnh

Nội dung chú thích ảnh

‘Đi qua hai làn sóng dịch tại Anh khi mà dân số chưa được phủ vaccine, tôi nhớ rõ nó tàn khốc như thế nào.

Là một bác sĩ, là người Việt Nam, theo dõi tin tức ở quê nhà mà lòng tôi như lửa đốt. Trái tim thôi thúc ‘trở về đi’, nhưng lý trí lại đưa ra vô vàn lý do để lưỡng lự: Liệu mình về có giúp ích được gì không? Hay mình hỗ trợ từ xa thì có hiệu quả không?

Khoảnh khắc tôi nhớ mãi là lúc nghe bài “Quê hương” do nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn biểu diễn ở một bệnh viện dã chiến. Giai điệu ấy, vào lúc đó, như một tiếng gọi tha thiết từ quê nhà. Tôi tự hỏi: Tại sao mình lại ở đây, nước Anh, khi đất nước và những người thân yêu đang cần tới mình nhất?
 

Nội dung chú thích ảnh

Tôi nhất định phải về, kể cả khi có phải bắt đầu lại từ con số 0 khi quay trở lại nước Anh sau này.

Nhưng trái với những gì tôi lo sợ, bệnh viện, hội đồng y khoa bên này đều rất ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trở về Việt Nam. Tôi nghĩ có lẽ do họ cũng đã trải qua một năm 2020 đầy nhọc nhằn trong cuộc chiến sinh tử với Covid-19 nên rất hiểu và đồng cảm. 

Tôi nhớ mãi câu nói của bác sĩ trưởng khoa: ‘Quyết định là do em, nhưng nhìn chung, chúng ta thường sẽ hối hận với những gì mình không làm, thay vì những gì mình đã làm.’

Từ Việt Nam, thầy Nguyễn Lân Hiếu cũng chào đón tôi đến với đội quân áo trắng của thầy: 'Có rất nhiều việc có thể làm, em ạ. Về thì lên Bệnh viện Điều trị Covid-19 nhé, chúng ta sẽ trao đổi cụ thể'. 

Bố mẹ tôi ban đầu không đồng ý, nhưng rồi họ cũng hiểu. Thực ra trong thâm tâm, sau 2 năm trời không gặp con gái, đây cũng là cuộc đoàn tụ mà ông bà vô cùng chờ mong. 

Hà Nội đón tôi bằng tiết trời cuối Thu tháng 9 đong đầy yêu thương. Tôi sắp bước vào một khoảng thời gian khó quên nhất trong cuộc đời mình. Quãng thời gian mà giờ đây nhìn lại, tôi vô cùng biết ơn và trân trọng.
 

Nội dung chú thích ảnh

Có nhiều kỷ niệm tôi sẽ nhớ mãi. Như lần đầu tiên gặp thầy Lân Hiếu, sau mấy tháng trao đổi chuyên môn qua… Facebook. Những ngày cuối cùng ở Thới Hòa, khi chuẩn bị đóng khu cách ly điều trị, rồi chuyến tàu rút quân từ Bình Dương về Hà Nội. Với tôi, đó là những ngày tháng lịch sử, những dấu ấn sẽ còn lại mãi trong cuộc đời.

Tôi thấy vinh dự khi được đồng hành cùng những người đồng nghiệp. Tôi cũng may mắn được gặp những đồng nghiệp, tiền bối vừa có tài vừa có tâm, với tầm nhìn đáng kính nể, những người tôi tin họ sẽ chèo lái quê hương qua bất cứ khó khăn nào.

Ngành y có đặc thù là mặc dù kiến thức y khoa là một, nhưng làm việc mỗi nơi một khác, phụ thuộc vào hệ thống y tế, văn hóa phong tục... Tôi đóng góp chủ yếu là kinh nghiệm và phác đồ điều trị. 

Phải nhìn tận mắt thì mới hiểu thực tế những khó khăn của đồng nghiệp ở Việt Nam. Thuốc men, nhân lực, thiết bị đều thiếu thốn hơn những bệnh viện ở Anh rất nhiều. Chống dịch trên quê hương, tôi được học hỏi thêm rất nhiều về cách linh hoạt khắc phục hoàn cảnh để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Lần này là lần tôi được về nước dài ngày nhất từ khi sang Anh học tập và làm việc. Nhưng gần như toàn bộ thời gian tôi đều dành cho công việc, chẳng mấy khi gặp bố mẹ. 

Vậy nên những ngày cuối cùng được ở nhà trước khi trở lại Anh, tôi dành tối đa thời gian cho gia đình. Không được ở nhà đón Tết cổ truyền cùng bố mẹ, nhưng tôi được ông bà gửi gắm những yêu thương, tin tưởng cô con gái bé bỏng ngày nào nay đã trưởng thành và quyết định mọi việc trên con đường riêng của mình. Hẹn gặp lại Việt Nam trong chiến thắng.
 

Nội dung chú thích ảnh

Nội dung chú thích ảnh

Nội dung chú thích ảnh

‘Tôi biết là khó tránh khỏi vì quá trình làm việc dài lại tiếp xúc liên tục, mình có thể bị nhiễm bất cứ lúc nào. Nhưng khi biết kết quả dương tính, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác buồn và lo sợ. Sợ phải cách ly 1 mình. 

Nhưng không ngờ cùng lúc có tới 6 bác sĩ nhiễm Covid-19. Vậy là chúng tôi lại cùng nhau gói ghém đồ đạc vào cách ly chung trong khu nhiễm.

Tiếng là đi điều trị, nhưng chúng tôi không ngơi nghỉ buổi nào. Nhân lực mỏng, bệnh nhân nặng lại tăng, chúng tôi vừa cứu chữa người bệnh vừa chữa bệnh cho bản thân. Cũng may tôi không sốt, chỉ cảm giác hơi mỏi và mất vị giác, công việc vào guồng rồi cũng quên luôn.

Nội dung chú thích ảnh

2021 có thể nói là khốc liệt, tuy nhiên nó cũng giúp tôi trở nên gan dạ, mạnh mẽ hơn. Có những thời điểm, dịch căng, tôi và các đồng đội gần như không nghỉ. Cũng có những khoảng lặng khiến tâm trạng trùng xuống kinh khủng.

Tôi đã chứng kiến biết bao cuộc chia ly… Những cuộc sinh ly tử biệt do Covid-19 gây ra không lời nào có thể diễn tả...

Nhiều lần, tôi chứng kiến những người đồng đội của mình khóc trong vô vọng, kiệt sức, gục ngã, muốn bỏ cuộc. Tôi cũng không ngoại lệ. Sau mỗi lần phủ lên những bệnh nhân xấu số tấm khăn trắng tiễn biệt, tôi về phòng tìm vài phút riêng tư để bật khóc như một đứa trẻ.

Cuộc chiến đến khi nào mới chấm dứt? Chúng tôi sẽ phải cố gắng đến bao giờ? Mỗi khi cần sốc lại tinh thần, tôi lại tìm đến những tấm phim chụp cũ của các bệnh nhân đã ra viện. Có những tấm cho thấy tổn thương phổi kinh hoàng. Nhưng họ đã đánh bại Covid. Chúng tôi đã đánh bại Covid.

Hôm nay đặc biệt lắm, ngày tôi được ‘ra trại’, đã có lại... MÙI và VỊ. Cũng kịp đón sinh nhật cùng người thân. Covid-19 rồi sẽ lùi xa thôi. Năm 2022 sẽ là năm chiến thắng.
 

Nội dung chú thích ảnh

Nội dung chú thích ảnh

‘Đây là năm đầu tiên mà tôi phải xa gia đình đến 6 tháng. Nhiều lúc cũng nhen nhóm ý nghĩ xin về làm gần gia đình, vì dù sao với tôi những người thân vẫn là tất cả những gì tôi đang có… 

Đại dịch khắc nghiệt nhưng chính là trường học lớn với các y bác sĩ. Riêng với tôi, trường học lớn này không chỉ mang lại những bài học kinh nghiệm quý giá mà còn cả những bài học về tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự sẻ chia… 

Buồng bệnh tôi trực tiếp điều trị đa số là các bệnh nhân cao tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân trên 80 tuổi chiếm trên 60%. Họ có nhiều bệnh nền như béo phì, tăng huyết áp, tai biến, và hầu hết chưa được tiêm vacxin. Việc tiếp xúc, trao đổi với các cụ khá khó khăn vì ít người còn nghe được rõ.

Các bệnh nhân cao tuổi cũng hạn chế vận động, nhiều cụ nằm liệt hoàn toàn tại giường. Việc chăm sóc thực sự vất vả do không có sự hỗ trợ của người nhà bệnh nhân như trong điều kiện thông thường.

Hằng ngày các bạn điều dưỡng ngoài việc thực hiện y lệnh còn phải làm vệ sinh và bón cơm cho bệnh nhân. Phục hồi chức năng hô hấp trong đó nằm sấp là rất quan trong trong điều trị Covid-19. Để thay đổi tư thế nằm của một bệnh nhân có bệnh nền béo phì sang thế nằm sấp chúng tôi cần 4-5 nhân viên y tế. Sau đó, phải có người theo dõi thường xuyên để bệnh nhân không tự thay đổi tư thế.

Cũng có những cụ cao tuổi sa sút trí tuệ, bất hợp tác không cho nhân viên y tế thực hiện y lệnh, lúc đó lại phải có người thủ thỉ dỗ dành. 

Sau khi đi khám bênh, chăm sóc bệnh nhân trong buồng bệnh, tôi sẽ dành một chút thời gian để gọi điện về cho gia đình bệnh nhân thông báo tình trạng bệnh và hướng điều trị.
 

Nội dung chú thích ảnh

Tôi cố gắng làm mọi điều có thể, nhưng cũng có những sơ xuất khiến tôi cảm thấy day dứt mãi. Có một bệnh nhân hậu phẫu ung thư đại tràng cắt 1 nửa đại tràng hồi tháng cuối năm trước. Bệnh nhân được mổ tại một bệnh viện ở Hà Nội, rồi được chuyển về bệnh viện của tôi sau khi phát hiện dương tính với Covid-19.

Tôi tiếp nhận điều trị bệnh nhân theo phác đồ thông thường của Covid-19. Tuy nhiên, trong khi tình trạng phổi có tiến triển thì bệnh nền của bệnh nhân lại có những diễn biến nghiêm trọng hơn: rò phân tại vết mổ, vết mổ bục chỉ... Tôi chưa có kinh nghiệm và lúng túng trước trường hợp này. Cũng may là ngay sau đó, bệnh nhân được hội chẩn bác sĩ chuyên khoa ngoại và phẫu thuật xử trí kịp thời. Dù không xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng với tôi, đây là bài học để đời. Mình cần quan sát kỹ hơn, phát hiện những bất thường nhanh hơn để tìm kiếm cho bệnh nhân sự hỗ trợ cần thiết.
 
Covid-19 khiến cho việc điều trị các bệnh nền của bệnh nhân trở nên khó khăn hơn rất nhiều do không thể hội chẩn trực tiếp các chuyên khoa như các bệnh lý khác. Tôi mong hệ thống y tế sớm đưa việc điều trị Covid-19 trở thành một chuyên khoa trong mỗi bệnh viện để bệnh nhân được điều trị toàn diện nhất, rủi ro thấp nhất. 

Ngành y có một niềm vui đặc biệt: niềm vui của những người chiến thắng thần chết. Mỗi lần nhìn các cụ già 80, 90 tuổi chiến thắng Covid-19 về với con cháu, tôi cảm thấy một niềm vui nhấc bổng mình lên khỏi mặt đất.

Nhưng thực lòng, khi niềm vui đi qua, thì thực tế vẫn là một nỗi buồn nặng trĩu. Hồi còn hỗ trợ ở Khoa ICU (khoa dành cho bệnh nhân nặng nhất) ở Bình Dương, có những kíp trực có tới 4 hay 5 bệnh nhân tử vong, tôi và các đồng nghiệp chỉ biết nhìn trong một sự bất lực đến tuyệt vọng.

Rồi có những người đồng nghiệp trong kíp trực bị nhiễm Covid-19. Chúng tôi hoang mang trước viễn cảnh không tiếp tục chống đỡ được với dịch bệnh khi từng người, từng người phải rời khỏi vị trí chiến đấu.
 

Nội dung chú thích ảnh

Nhưng nhờ những khoảnh khắc như thế, những khó khăn như thế tôi và những đồng nghiệp của mình trưởng thành lên rất nhiều.

Những ngày cuối năm này, Hà Nội đang căng mình chống dịch, y bác sĩ chúng tôi xác định tinh thần ở lại chống dịch, hẹn gia đình cái Tết muộn. Ai cũng bảo nhau cùng cố gắng.

Chắc chắn rằng trong tương lai việc cập nhật kiến thức liên tục, đào tạo liên tục và tiến tới khi chuyên ngành “Covid-19 học” ra đời thì nhân viên y tế hoàn toàn có thể tự tin để làm chủ việc điều trị. Covid-19 sẽ trở thành một loại bệnh thông thường khác, và cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

Khi đó tôi và những người bạn của mình cũng sẽ lại được trở lại với cuộc sống bình thường. Tôi sẽ về nhà trồng thêm vài chậu hoa, có thể sẽ nuôi thêm một con mèo…

Bạn bè vẫn thường hỏi: ‘Khi nào mày lấy chồng?’ Tôi bảo: ‘Để tùy duyên trả lời nhé. Mà hình như mấy cô bác sĩ hay ế lắm!’....

Nội dung chú thích ảnh

Nội dung chú thích ảnh

Tin khác