Lời tựa: Cao vỏn vẹn 1m52 nhưng mỗi lần lên đài lại khiến các đối thủ được phen khiếp vía, Đào Hồng Sơn được giới võ thuật đặt cho biệt danh 'Quỷ lùn'. Bố của Sơn kể rằng ngày mới học lớp 7, con trai ông đã liên tiếp vật ngã các thanh niên 20 tuổi để giành chức quán quân tại sới vật làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội). Còn Sơn hồn nhiên bảo thuở ấy chưa từng xem qua đấu vật, đi chơi hội làng cùng bố mẹ thấy có xới thì vào đăng ký, quật ngã 3 người, vậy là vô địch.
Ở tuổi 12, cậu bé Đào Hồng Sơn cảm giác như bản năng trong cơ thể mình đã biết vật, biết phải làm sao để quật ngã đối phương mà chưa cần học qua thầy nào cả. Và rồi, chức vô địch bất ngờ ở sới vật làng Triều Khúc năm đó đã rẽ hướng cuộc đời Sơn.
Quyết tâm xin bố để được theo con đường thể thao, bén duyên với judo rồi sẽ hướng sang jujitsu, 14 năm sau, ở tuổi 26, Đào Hồng Sơn trở thành nhà vô địch hai kỳ SEA Games liên tiếp (2022 và 2023) của môn jujitsu, nội dung 56kg Newaza No-Gi (không võ phục).
Nhưng hành trình 14 năm đó của Sơn không bằng phẳng như cách anh nhẹ nhàng quật ngã 3 đối thủ trong lần đầu thượng đài. Ở đó có mồ hôi, nước mắt và nhiều lần nén đau vượt qua nghịch cảnh, để rồi cuối cùng được đền đáp bằng những giây phút mang vinh quang về cho Tổ quốc.
CHIẾC ĐẦU GỐI ĐẶC BIỆT VÀ TẤM HCV NGHẸT THỞ NHƯ PHIM HOLLYWOOD
'Đào Hồng Sơn giành huy chương vàng SEA Games mà không có dây chằng đầu gối đâu', câu nói bất chợt vang lên ở một góc nhà thi đấu Chroy Changvar (Campuchia) khiến ai nghe xong cũng phải giật mình ngoái đầu lại. Võ sĩ Việt Nam không có dây chằng đầu gối nhưng lại bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games. Chuyện nghe thật lạ lùng.
Nhưng hóa ra, đó chỉ là một câu nói vui. Chính xác hơn, trong gần 2 năm qua, võ sĩ được mệnh danh là 'Độc cô cầu bại' của jujitsu Việt Nam thi đấu với một chiếc gối phải rất đặc biệt.
Đào Hồng Sơn chính là võ sĩ giành huy chương vàng duy nhất cho đội jujitsu Việt Nam tại SEA Games 32. (Ảnh: Như Đạt)
Mọi chuyện bắt đầu khi Sơn tham dự giải jujitsu vô địch thế giới 2021 (nội dung Fighting, hạng 56kg) và dính chấn thương ở ngay trận đấu đầu tiên. Vậy là trong những ngày đầu năm 2022, Đào Hồng Sơn phải lên bàn mổ.
Tuy nhiên thay vì ghép dây chằng đầu gối một cách thông thường, võ sĩ jujitsu Việt Nam lựa chọn phương pháp ghép bằng gân gót chân (gân Achilles). Vậy là 'sự tích' Đào Hồng Sơn không có dây chằng gối phải ra đời.
Theo các bác sĩ, gân Achilles có kích thước to và chắc chắn hơn, nhưng thời gian phẫu thuật lại ngắn hơn. Điều đó giúp Đào Hồng Sơn có thể nhanh chóng trở lại tập luyện và chỉ 5 tháng sau đã giành được tấm huy chương vàng SEA Games 31 trên sân nhà.
Đào Hồng Sơn (phải) xuất thân từ đội Judo Hà Nội nhưng đã thành công rực rỡ khi được các HLV tư vấn chuyển sang thi đấu jujitsu. (Ảnh: NVCC)
Nhưng vận rủi vẫn chưa buông tha Đào Hồng Sơn. Đến đầu năm 2023, anh lại phải lên bàn mổ một lần nữa. Chấn thương dây chằng chéo gối phải của võ sĩ này tái phát, đúng ở vết mổ lần trước.
'Từ tháng 3 đến tận đầu tháng 5 năm nay, tôi chỉ có thể tập phục hồi. Cả tuần chỉ tập chuyên môn được 1 buổi thôi. Vì thế khi sang Campuchia dự SEA Games 32 (đầu tháng 5 - PV), tôi chỉ xác định tâm thế cố gắng thi đấu hết khả năng, làm sao để tránh tái phát chấn thương, chứ không nghĩ rằng mình sẽ bảo vệ được tấm huy chương vàng. Trước ngày thi đấu, tôi nghĩ mình lành lặn trở về cũng đã là niềm vui rồi', võ sĩ Đào Hồng Sơn kể lại.
Đào Hồng Sơn (áo đỏ) bước vào SEA Games 32 với tâm thế không đặt nặng thành tích do mới bình phục chấn thương. (Ảnh: Linh Đan)
Thử thách đến với Đào Hồng Sơn ngay ở trận đấu đầu tiên khi anh phải chạm trán Tang Yong Siang (Singapore), đối thủ cũ tại trận chung kết SEA Games 31. 'Khi nhìn lịch thi đấu, mình chỉ biết cười', Sơn nhớ lại.
Và quả thật, lối đánh khó chịu của võ sĩ người Singapore đã khiến Đào Hồng Sơn phải trải qua một trận đấu vô cùng vất vả mới có thể giành chiến thắng.
Nhưng rồi có lẽ do mất quá nhiều sức ở vòng đầu, võ sĩ của Việt Nam sau đó không có được thể trạng tốt và để thua đối thủ người Philippines ở trận đấu tiếp theo trong loạt đánh vòng tròn. Tấm huy chương vàng cảm giác như đã tuột khỏi tay Đào Hồng Sơn và đội jujitsu Việt Nam sẽ khép lại SEA Games 32 mà không một lần giành vàng.
Tuy nhiên đây lại điểm mở đầu cho những giây phút nghẹt thở sau đó, với cung bậc lên xuống như phim Hollywood khi chờ tin về kết quả chung cuộc.
Khoảnh khắc Đào Hồng Sơn ghi điểm số quyết định trong hiệp phụ để đánh bại đối thủ người Singapore. Trận thắng này góp phần quan trọng để anh giành tấm huy chương vàng chung cuộc. (Ảnh: Linh Đan)
'Trận thua đối thủ Philippines khiến bản thân tôi rất buồn và hụt hẫng. Cảm giác như mình đã thất bại, không thể bảo vệ thành công tấm huy chương vàng SEA Games. Tuy nhiên sau đó các thầy động viên tôi. Cả thầy và trò cùng hi vọng võ sĩ Singapore sẽ thắng được đối thủ Philippines (giống như ở SEA Games 31). Khi đó tôi sẽ lại có cơ hội giành huy chương vàng khi tính điểm xếp hạng.
Nhờ thế mà tôi xốc lại được tinh thần, cố gắng thắng nhanh nhất hai đối thủ người Lào và Thái Lan để có được điểm số cao nhất sau loạt đánh vòng tròn', Đào Hồng Sơn kể.
Ban huấn luyện đội jujitsu Việt Nam vỡ òa với tấm huy chương vàng của Đào Hồng Sơn. (Ảnh: Linh Đan)
Anh tiếp tục: 'Và thực sự rất may mắn khi mọi thứ diễn ra đúng như kịch bản mà mình và các thầy nghĩ đến. Khi thầy Chu Minh Tuấn ở trong ban trọng tài thông báo tôi giành được huy chương vàng mà tôi bật khóc. Cảm giác vô cùng sung sướng. Tôi lập tức cầm điện thoại chạy ra ngoài sảnh nhà thi đấu, đứng ra chỗ nắng nhất để bắt sóng gọi điện về cho bố mẹ, vợ và bác sĩ của mình để báo tin vui.
Tuy nhiên đến khi quay trở lại, tôi lại nhận tin mình chỉ có huy chương đồng thôi. Hóa ra đội Singapore khiếu nại kết quả. Vậy là tôi lại phải lật đật chạy ra ngoài để báo tin lại cho mọi người.
Suốt từ hơn 1 tiếng chờ đợi, mọi người nhắn tin hỏi thăm tới tấp, xem tình hình tôi được huy chương gì. Tuy nhiên lúc đó mình cũng chỉ biết tắt máy và ngồi một góc chờ đợi thôi.
Đến lúc xếp hàng nhận huy chương, tôi hỏi tình nguyện viên vị trí đứng của mình. Bạn ấy bảo tôi xếp ở vị trí giữa, đi ngay sau võ sĩ Singapore. Nghe thấy thế, tôi nghĩ thôi chắc mình chỉ được huy chương bạc. Phải đến lúc bước lên bục số 1 tôi mới thở phào. Vậy là mình được huy chương vàng thật rồi.
Khoảnh khắc được đeo huy chương vàng trên cổ và nghe Quốc ca vang lên, trong lòng mình trào dâng một niềm tự hào rất lớn. Tôi thực sự vui sướng, biết ơn gia đình và tất cả mọi người đã luôn giúp đỡ để mình vượt qua được những quãng thời gian khó khăn nhất'.
(Ảnh: Như Đạt)
CƠM ÁO KHÔNG ĐÙA VỚI KHÁCH THƠ
Hai lần liên tiếp vô địch SEA Games, Đào Hồng Sơn trở thành niềm tự hào của gia đình cũng như quê hương Triều Khúc. Nhưng để có được những vinh quang đó, võ sĩ sinh năm 1997 đã phải đánh đổi rất nhiều. Thậm chí, đã có thời điểm anh vừa tập luyện vừa phải làm shipper (nhân viên giao hàng) để kiếm thêm thu nhập.
'Thực sự tôi bị áp lực kinh tế từ năm 2018 khi lập gia đình và có con đầu lòng. Lúc đó lương của tôi được khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, gồm cả tiền ăn.
Kinh tế không đủ nuôi con, buổi sáng tôi phải đi làm shipper, nhận giao hàng quanh Hà Nội. Một ngày như vậy mình cũng kiếm thêm được khoảng 500 nghìn đồng. Giao đơn xong, tôi lại 'vác' cả xe chở hàng lên đội để tập', nhà vô địch SEA Games nhớ lại những ngày tháng khó khăn của mình.
Đào Hồng Sơn đã vượt qua nghịch cảnh để chạm tới vinh quang. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, thử thách đâu chỉ có thế. Đến khi dần có thành tích, thu nhập cũng ổn định hơn nhờ các nguồn thu từ bước đầu kinh doanh, những chấn thương nặng lại ập đến với Đào Hồng Sơn. Đã có lúc, võ sĩ này nghĩ đến chuyện dừng lại. Anh kể:
'Thời điểm bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối, bản thân mình đã nghĩ đến việc giải nghệ. Nhiều lúc mình đau, muốn bỏ lắm; chống hai cái nạng đi quanh nhà mà nghĩ hay là thôi, bỏ thôi.
Nhưng rồi bố mẹ động viên, bảo người ta chơi thể thao phong trào còn đứt dây chằng 3-4 lần, con là vận động viên chuyên nghiệp, chấn thương như vậy là bình thường, cứ tập phục hồi là thi đấu lại được thôi.
Nhờ thế mà tôi lấy lại tinh thần, tập trung tập luyện phục hồi, kiên trì với bản thân hơn, ăn uống nghỉ ngơi tích cực để làm sao phục hồi tốt nhất để sớm quay trở lại được'.
Bảng thành tích đồ sộ huy chương, bằng khen tại nhà Đào Hồng Sơn. (Ảnh: Linh Đan)
Cùng với đó, hậu phương vững chắc từ người bạn đời cũng giúp Đào Hồng Sơn thêm vững tâm, cùng nhau vượt qua những áp lực kinh tế để phấn đấu cho sự nghiệp của mình.
'Thực sự phải nói rằng vợ tôi là một người rất tâm lý, là hậu phương vững chắc. Những bước đường tôi đi đều có lời khuyên của vợ.
Vợ tôi luôn động viên tôi cố gắng thi đấu, cống hiến cho Tổ quốc. Cô ấy bảo khi nào sức khỏe cảm thấy không ổn nữa thì lúc đó anh về làm kinh tế cũng được, em luôn ở phía sau động viên anh. Kinh tế bây giờ anh chưa phải lo đâu, cứ làm sao khỏe nhất để thi đấu tốt nhất, mang về niềm tự hào, hạnh phúc cho gia đình và quê hương, đất nước', Đào Hồng Sơn kể về người bạn đời của mình với cảm giác hãnh diện.
Anh chia sẻ thêm: '1-2 năm sau thời gian làm shipper, công việc của tôi dần ổn định hơn. Tôi bắt đầu đi dạy thêm, bán hàng được, bắt đầu có các nguồn thu bên ngoài từ quảng cáo nên bây giờ kinh tế vững hơn một chút. Nhưng thực sự cũng chỉ đủ để nuôi sống tôi và một chút cho gia đình thôi chứ cũng chưa thể làm được gì to lớn cả.
Mình là VĐV, cũng phải chăm sóc, bảo dưỡng cơ thể để phục vụ việc thi đấu. Nếu một tuần không đi giãn cơ rồi để bị chấn thương, không thi đấu được là dở cho mình rồi. Mình lao động bằng sức khỏe mình đang có nên phải biết chăm lo cho cơ thể của mình, từ đó mới có thể có được thành tích.
Thể thao không đơn giản chỉ là cố gắng tập luyện, mà đi với nó phải là khoa học dinh dưỡng, tập luyện phục hồi. Phải có kinh tế mới làm được điều đó'.
Đào Hồng Sơn nhận được sự ủng hộ hết mình từ vợ và gia đình. (Ảnh: NVCC)
Với 2 tấm huy chương vàng đã có trong tay, Đào Hồng Sơn hi vọng sẽ tiếp tục tái lập thành tích này trên đất Thái Lan tại SEA Games 33 sau đây 2 năm, qua đó có thể được xét duyệt Huân chương lao động hạng Ba như mong ước anh thầm ấp ủ.
Và trên hành trình chinh phục mục tiêu đó, gia đình sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho Đào Hồng Sơn, như cách tất cả đã đồng hành cùng võ sĩ này trong suốt chặng đường đã qua.
'Tôi cảm thấy may mắn khi luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình. Cá nhân tôi cũng đang ấp ủ cho mình kế hoạch mở một phòng tập trong tương lai.
Tuy nhiên chứng kiến mọi người giành Huân chương lao động hạng Ba, còn bản thân mình cũng đã có 2 huy chương vàng SEA Games rồi, chỉ cần thêm 1 lần nữa thôi thì tôi cũng tự động viên bản thân cố gắng giành vàng trên đất Thái Lan vào năm 2025. Khi hoàn thành được mục tiêu đó, lúc ấy mình có thể tính đến những mục tiêu khác trong sự nghiệp', Đào Hồng Sơn kết lại.